Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Trung Dung
Trung Dung 中庸
dt. <Nho> Trung Dung ghi: “Vui, giận, buồn , mừng khi chưa phát ra thì gọi là trung, phát ra rồi mà đúng dịp thì gọi là hoà. Trung ấy là nguồn gốc lớn của trời đất; hoà ấy là sự đạt đạo của thiên hạ. Đến cựng cực của trung hoà thì muôn vật được đúng ngôi vị của nó, mà vạn vật được nuôi dưỡng.” (喜怒哀樂之未發謂之中,發而皆中節謂之和。中也者,天下之大本也;和也者,天下之达道也。致中和,天地位焉,萬物育焉.). Làm người thì chử đạo Trung Dung, khắn khắn răn dỗ thửa lòng. (Tự giới 127.1)‖ (Bảo kính 129.1).
chử 守
◎ Nôm: 渚 / 宁 / 𡨸 Chử: [Rhodes 1651: 61], âm cổ của giữ.
đgt. <từ cổ> để ý cẩn thận. “chử: ghi nhớ” [Vương Lộc 2001: 36]. Lấy khi đầm ấm pha khi lạnh, chử khuở khô khao có khuở dào. (Thuật hứng 66.6)‖ (Tự thán 87.7) ‖ (Bảo kính 144.5).
đgt. <từ cổ> sống theo đạo lý nào đó. “chử: sửa mình, hối hận”. [Rhodes 1651: 61]. Làm người thì chử đạo Trung Dung, khắn khắn răn dỗ thửa lòng. (Tự giới 127.1) dịch chữ 拳拳服膺 (khắn khắn giữ trong lòng). x. khắn khắn. (Bảo kính 128.8, 131.1, 144.5) Ở đài các, chử lòng Bao Chửng, nhậm tướng khanh, thìn thói Nguỵ Trưng. (Bảo kính 188.5).
đgt. <từ cổ> lưu lại. Bến liễu mới dời, thuyền chở nguyệt, gác vân còn chử, bút đeo hương. (Bảo kính 157.4).
diều 鷂
◎ Nôm: 鷂 AHV: diêu.
dt. <Nho> diều hâu, diều gốc Hán, hâu gốc Việt, loài chim ăn thịt, hình giống chim ưng nhưng nhỏ hơn (nên gọi là diều ưng 鷂鷹), thường bắt gà con và các loài chim non để ăn, dùng để ví với cái ác hay bọn tiểu nhân. văn điếu Khuất Nguyên của Giả Nghị đời Hán có câu: “Loan phượng náu mình chừ, diều cú cao bay: rều rác vinh hiển chừ, gièm dua đắc chí; hiền thánh long đong chừ, thẳng ngay sấp ngửa.” (鸞鳳伏竄兮,鴟梟翺翔:闒茸尊顯兮,讒諛得志;賢聖逆曳兮,方正倒植 loan phượng phục thoán hề, si hiêu cao tường: tháp nhung tôn hiển hề, sàm du đắc chí; hiền thánh nghịch duệ hề, phương chính đảo thực). Cả câu ý nói: người quân tử như chim loan chim phượng phải náu mình vì bị cuộc đời ô trọc ngăn trở, còn nhiều lũ diều cú (tiểu nhân) thừa cơ lại được bay lượn hoành hành. Phượng những tiếc cao diều hãy liệng, hoa thì hay héo cỏ thường tươi. (Tự thuật 120.5).
đc. <Nho> dịch cụm 鳶飛魚躍 diên phi ngư dược (con diều bay, con cá nhảy). Sách Trung Dung có đoạn: “đạo của người quân tử thật rộng lớn nhưng cũng rất vi diệu. Dù có thế thì đến cả người ngu dốt trong đám đàn ông đàn bà cũng có thể biết được phần nào. Còn như đến đỉnh điểm của nó, thì dẫu thánh nhân cũng còn có điều không thể biết được. Dẫu là những người kém cỏi trong đám đàn ông đàn bà bình thường, cũng có thể thi hành được phần nào. Còn như đến đỉnh điểm của nó, thì dẫu thánh nhân cũng còn có điều không làm được. Rộng lớn như trời đất, mà người ta còn cảm thấy có chỗ không vừa ý. Cho nên đạo của người quân tử, nếu nói chỗ lớn, thì trong thiên hạ chẳng có gì có thể bao chứa được nó; nếu nói chỗ nhỏ, thì trong thiên hạ chẳng có gì có thể tách chia được nó. Kinh Thi nói: “chim diều bay lên trời cao, con cá lặn xuống vực sâu”. Tức là nói xét cả trên trời dưới đất vậy.” (君子之道費而隱。夫婦之愚,可以與知焉,及其至也,雖聖人亦有所不知焉;夫婦之不肖,可以能行焉,及其至也,雖聖人亦有所不能焉。天地之大也,人猶有所憾,故君子語大,天下莫能載焉;語小,天下莫能破焉。《詩》云:‘鳶飛戾天,魚躍于淵’言其上下察也). Bành được thương thua: con tạo hoá, diều bay cá dảy đạo tự nhiên. (Tự thán 103.4). Câu này ý nói cái đạo bao trùm mọi sự vật trong thế giới.
dỗ 諭
◎ Nôm: 𠴗 AHV: dụ .
đgt. nhủ, khuyên nhủ. Làm người thì chử đạo Trung Dung, khắn khắn răn dỗ thửa lòng. (Tự giới 127.2). răn dỗ dịch chữ huấn dụ 訓諭.
khoe khoang 誇矜
◎ Nôm: 誇光
đgt. khoe mẽ. “khoe khoang: vanè ostentare, jactare” [Morrone 1838: 267]. khoe khoang là âm Việt hoá của khoa căng. Sử Ký phần Hoá thực liệt truyện ghi: “Lòng khoe khoang vẻ vinh hoa quyền lực” (心誇矜势能之荣). Bền đạo Trung Dung chẳng khuở tàng, màng chi phú quý nhọc khoe khoang. (Bảo kính 129.2).
khắn khắn 恳恳 / 懇懇
◎ Nôm: 恳恳 AHV: khẩn khẩn. Sách Hán Thư phần Tư Mã Thiên Truyện ghi: “Cất nhắc kẻ hiền là trách nhiệm, mà ý khí luôn chăm chăm, khăn khắn” (推賢進士為務,意氣勤勤懇懇). Nhan Sư Cổ chú rằng: “khẩn khẩn: chí thành vậy” (懇懇:至誠也).
tt. <từ cổ> “nhớ hoài không thể quên, …dốc một lòng” [Paulus của 1895: 480]. Làm người thì chử đạo Trung Dung, khắn khắn răn dỗ thửa lòng. (Tự giới 127.2). Sách Trung Dung có đoạn: “Hồi làm người, chọn đạo Trung Dung, được một điều thiện thì khắn khắn giữ trong lòng mà không bao giờ buông bỏ mất.” (子曰:回之為人也,擇乎中庸,得一善,則拳拳服膺而弗失之矣)‖ Khoe tiết làu làu nơi học đạo, ở triều khắn khắn chữ “trung cần”. (Bảo kính 187.4).
phu phụ 夫婦
dt. <Nho> vợ chồng, được coi là đầu mối “tạo đoan” quan trọng trước tiên trong ngũ luân, theo quan niệm của nho gia. Sách Trung Dung có câu: “Khổng Tử nói: ‘đạo của người quân tử, khởi mối từ phu phụ, từ đó mà thi hành cho cùng cực thì có thể xét khắp trời đất’. Đạo vợ chồng ấy là đạo âm dương vậy.” (孔子曰:「君子之道,造端乎夫婦,及其至也,察乎天地。」 夫婦之道,則是陰陽之道也). Phu phụ đạo thường chăng được trớ, nối tông hoạ phải một đôi khi. (Giới sắc 190.7).
quyền quyền 拳拳
◎ Phiên khác: cồn cồn: khư khư (BVN), cuồn cuồn (VVK). Nay theo TVG, ĐDA.
tt. <từ cổ> thiết tha, quyến luyến, cố giữ lấy [TVG, 1956: 104]. Lưu Hướng đời Hán trong liệt nữ truyện có câu: “quyến luyến như người thân” (拳拳若親). Sách Trung Dung có đoạn: “anh hồi làm người: một khi đã nắm được cái đạo Trung Dung, nắm được điều thiện thì thiết tha giữ trong lòng mà không có phút nào rời ra” (回之為人也,擇乎中庸,得一善,則拳拳服膺而弗失之矣). Chớ còn chẳng chẳng, chớ quyền quyền, lòng hãy cho bền đạo Khổng môn. (Tự thán 111.1).
răn dỗ 𡂰𠴗
đgt. <từ cổ> răn dè và nhắn nhủ, dỗ 誘: đọc theo âm PHV, lưu tích trong dụ dỗ. Làm người thì chử đạo Trung Dung, khắn khắn răn dỗ thửa lòng. (Tự giới 127.2).
thì trung 𪰛中
𪰛中 = 時中, đgt. <Nho> xử lý đúng theo thời. Sách Chu Dịch quẻ Mông lời Thoán truyện ghi: “Quẻ mông, hanh thông. Vì hanh thông nên mới vận hành, ấy là thuận theo thời vậy” (蒙,亨。以亨行,時中也). Ý nói quẻ mông biểu thị hanh thông. Cho nên, lấy thông để hành sự cho phù hợp với thời cơ. Thì trung có hai hàm nghĩa: 1. hợp với thời nghi; 2. tuỳ thời biến mà thông. Nho gia chú ý đến cả hai nội hàm ứng xử này. Hành vi và ngôn luận đều nên theo thời mà tuỳ xử cho phù hợp. Sách Lễ Ký thiên Trung Dung ghi: “Quân tử mà Trung Dung, quân tử sẽ thì trung vậy.” (君子之中庸也,君子而時中 quân tử chi Trung Dung dã, quân tử nhi thì trung). Chớ người đục đục, chớ ta thanh, lấy phải thì trung, đạo ở kinh. (Bảo kính 156.1)
thửa 所
◎ Đọc âm HHV [NN San 2003b: 178]. AHV: sở.
dt. <từ cổ> chốn. yến thửa: bữa tiệc, như trị sở (thửa): nơi xử lý các việc công. Yến thửa Dao Trì đà có hẹn, chớ cho Phương Sóc đến lân la. (Đào hoa 231.3).
HVVD mảnh ruộng. Ruộng nhiều quê tổ năm ba thửa, tạc tỉnh canh điền tự tại nhèn. (Bảo kính 140.7).
ht. <từ cổ> có chức năng danh hoá từ đứng sau nó. Thửa cầu. (Bảo kính 162.2). Thửa cầu: cái đang tìm kiếm‖ (Thuật hứng 58.7), thửa trách: sự trách cứ‖ (Tự thán 74.8). thửa nguyền: cái mong ước‖ (Tự thán 106.1), thửa nuôi: sự nuôi nấng‖ Thửa tranh. (Tự thuật 113.8)‖ (Bảo kính 164.7), thửa được: cái được‖ (Bảo kính 177.5), thửa làm: việc mà mình đã thực hiện‖ Thửa việc điều canh bội mấy phần. (mai 214.8)‖ Thửa dùng. (Trư 252.2).
đt. <từ cổ> đại từ sở hữu, của mình. (Tự thuật 119.7), thửa phận : phận mình ‖ Làm người thì chử đạo Trung Dung, khắn khắn răn dỗ thửa lòng. (Tự giới 127.2), thửa lòng: lòng mình‖ (Bảo kính 175.2)‖ (Mộc hoa 241.3)‖ Thửa danh. (Liên hoa 243.2).
tàng 藏
đgt. che lấp, che khuất. Bền đạo Trung Dung chẳng khuở tàng, màng chi phú quý nhọc khoe khoang. (Bảo kính 129.1).
tây tối 私最
dt. <từ cổ> chỗ riêng tây tối tăm, trỏ cõi lòng sâu kín chỉ có mình và thần linh biết được. Khổng Tử nói: “quân tử cẩn thận với riêng mình” (君子慎其獨 quân tử thận kỳ độc). Sách Lễ Ký ghi: “Không gì hiện rõ hơn chỗ ẩn tàng, không gì hiện rõ hơn chỗ tế vi, cho nên, quân tử phải cẩn thận ở cái chỗ chỉ có riêng mình” (莫見乎隱,莫顯乎微,故君子慎其獨也 mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi, cố quân tử thận kỳ độc dã). Sách Trung Dung có đoạn: “cái trời ban thì gọi là tính, noi theo tính là đạo, tu đạo thì gọi là giáo. Đạo chẳng thể rời bỏ chốc lát, đã rời đi tí thì ấy chẳng phải là đạo vậy. Cho nên, quân tử răn dè ở chỗ không ai nhìn thấy, sợ sệt ở chỗ không ai nghe thấy. Không gì hiện rõ hơn chỗ ẩn tàng; không gì hiển rõ hơn chỗ tế vi. Cho nên quân tử phải cẩn thận ở cái chỗ chỉ có riêng mình…” (天命之謂性,率性之謂道, 修道之謂教。道也者,不可須臾離也,可離非道也。是故君子戒慎乎其所不睹,恐懼乎其所不聞。莫見乎隱,莫顯乎微。故君子慎其獨也…). Chu Tử lại chua: “ẩn” là chỗ mờ tối, “vi” là những việc nhỏ nhặn. “độc” là chỗ người không biết mà chỉ có riêng mình biết mà thôi. Ý nói: những việc tế vi trong chỗ u ám, tuy rằng chưa hiện ra mà cơ hồ đã mảy phát rồi. Tuy rằng người chưa biết, nhưng mình đã biết thì mọi việc trong thiện hạ không có gì hiện lộ rõ ràng mà vượt qua cả điều đó. Cho nên, quân tử vốn luôn răn dè mà ở chỗ đó lại càng thêm cẩn thận. Nên phải át chế nhân dục lúc sắp nảy mống, không để nó ngấm ngầm trầm trệ ở chỗ ẩn vi để đến nỗi phải xa lìa cái đạo vậy!” (隠暗處也㣲細事也獨者人所不知而已所獨知之地也言幽暗之中細㣲之事跡雖未形而㡬則已動人雖不知而已獨知之則是天下之事無有著見明顯而過於此者是以君子既常戒懼而於此尤加謹焉所以遏人欲於将萌而不使其潛滋暗長於隠㣲之中以至離道之逺也) [Tứ thư chương cú tập chú - Trung Dung chương cú]. Đến đây, ta đã tìm được mối dây liên hệ để giải mã cho từ tư tối. Chữ (riêng) được dùng để dịch cho chữ độc 獨 (riêng mình) trong các văn bản nho gia như Lễ Ký, Trung Dung, Đại Học. Chữ tối được dùng để dịch chữ ẩn 隠 (chỗ u ám, sâu kín, tức cõi lòng) theo cách chú giải của Chu Tử trong Tứ thư chương cú tập chú. Sách Giác thế kinh của Đạo giáo có câu: “Cho nên người quân tử ba sợ bốn biết để cẩn thận với chính mình, chớ nói rằng tâm ta như góc nhà tối mà coi thường, chỗ dột trong góc nhà ấy thực đáng xấu hổ, nhất động nhất tĩnh đều do thần minh giám sát, phải coi đó là chỗ chỗ mười mắt nhìn vào mười tay trỏ vào, thế thì mới đến được cái lý vậy.” (故君子三畏四知、以慎其獨、勿謂暗室可欺、屋漏可愧、一動一静、神明鑒察、十目十手,理所必至) [TT Dương 2011c]. Há chẳng biến dời cùng thế thái, những âu tây tối có thần minh. (Tự thán 96.4). x. tây. pb tư túi.
tự giới 自戒
dt. tên bài thơ số 127. Tự giới nghĩa là tự mình răn dè mình. Nguyễn Trãi răn mình phải giữ lấy đạo Trung Dung, phải biết tiến biết thoái, chớ tham chớ dại theo cái “nết anh hùng”, hãy nén lại cái “hung hăng huyết khí” thì mới tránh khỏi những tai nạn không may trong cuộc đời. Nhưng rốt cuộc, như ta biết, Nguyễn Trãi vẫn tự nhận mình “như con ngựa già còn ham rong ruổi”, việc tham gia chính trường quá sâu, quá nồng nhiệt, ông đã mắc nạn chu di tam tộc.